Việc hiểu được những khái niệm về tình trạng quá mua và quá bán là rất quan trọng đối với nhà giao dịch vì điều này giúp mang đến cái nhìn chuyên sâu về các điều kiện thị trường tiềm năng và sự đảo chiều của giá. Dưới đây là định nghĩa của những thuật ngữ này và ý nghĩa của chúng đối với nhà giao dịch:
Quá mua
Khi một tài sản tài chính được xem là ở trong tình trạng quá mua, giá của tài sản này đã tăng mạnh trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng tài sản đó có thể được giao dịch ở mức cao bất hợp lý dựa trên các chỉ số kỹ thuật hoặc theo phân tích cơ bản. Trong phân tích kỹ thuật, tình trạng quá mua thường được xác định bằng cách sử dụng các chỉ báo kỹ thuật như chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), MACD, đường trung bình động, chỉ báo dao động Stochastic hoặc chỉ báo Williams %R.
Ý nghĩa đối với nhà giao dịch:
Nhà giao dịch xem tình trạng quá mua là một tín hiệu tiềm tàng cho thấy giá của tài sản có thể sẽ giảm hoặc sẽ điều chỉnh. Điều này có thể chỉ ra rằng áp lực mua đã ở mức quá lớn và tài sản có thể dễ bị ảnh hưởng trước biến động giá giảm.
Quá bán
Ngược lại, khi một tài sản tài chính được cho là nằm trong tình trạng quá bán, giá của tài sản đó đã giảm mạnh trong một thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng tài sản đó có thể được giao dịch ở mức thấp vô lý dựa trên các chỉ số kỹ thuật hoặc theo phân tích cơ bản.
Ý nghĩa đối với nhà giao dịch:
Nhà giao dịch xem tình trạng quá bán là một tín hiệu tiềm tàng cho thấy giá của tài sản có thể sắp phục hồi hoặc tăng trở lại. Điều này có thể chỉ ra rằng áp lực bán đã ở mức quá lớn và tài sản có thể đã sẵn sàng cho một đợt tăng giá.
Điều này có ý nghĩa gì đối với nhà giao dịch
Đối với nhà giao dịch, việc hiểu được các điều kiện của tình trạng quá mua và quá bán có thể giúp mang lại những hiểu biết có giá trị để đưa ra quyết định giao dịch. Việc xác định tình trạng quá mua và quá bán có thể giúp nhà giao dịch xác định được thời điểm vào và thoát khỏi giao dịch hiệu quả hơn, với tiềm năng nắm bắt được cơ hội mua thấp và bán cao hoặc ngược lại. Tình trạng quá mua và quá bán có thể đóng vai trò là tín hiệu xác nhận cho khả năng đảo chiều xu hướng, hỗ trợ nhà giao dịch đánh giá sức mạnh của xu hướng đang chiếm ưu thế. Việc nhận biết được tình trạng quá mua và quá bán có thể hỗ trợ nhà giao dịch quản lý rủi ro nhờ có được các tín hiệu về khả năng giá đảo chiều và sự thay đổi trong tâm lý thị trường.
Làm thế nào để xác định tình trạng quá mua và quá bán bằng chỉ báo kỹ thuật RSI?
Theo quy tắc, chỉ báo RSI cho biết có tình trạng quá mua khi giá trị của chỉ báo này vượt quá ngưỡng 70. Điều này cho thấy giá đã tăng nhanh và có thể sắp xảy ra đảo chiều hoặc giảm giá. Ngược lại, chỉ báo RSI cho biết có tình trạng quá bán khi giá trị của chỉ báo giảm xuống dưới ngưỡng 30. Điều này cho thấy giá đã giảm nhanh và có thể có tiềm năng đảo chiều hoặc hồi phục.
Sự phân kỳ có thể được sử dụng làm tín hiệu bổ sung, giúp tăng khả năng xảy ra sự điều chỉnh hoặc đảo chiều khi đạt đến các vùng quá mua hoặc quá bán. Nhưng để có được tín hiệu này, giá phải di chuyển ra khỏi vùng quá mua/quá bán.
Trong ví dụ bên dưới, bạn có thể thấy giá ở trong tình trạng quá bán + có sự phân kỳ và giá ở trong tình trạng quá mua + có sự phân kỳ.
Làm thế nào để xác định tình trạng quá mua và quá bán bằng đường trung bình động?
Khi sử dụng đường trung bình động, tình trạng quá mua hoặc quá bán được xác định khi giá di chuyển lệch nhiều so với các đường trung bình giữa. Bạn có thể xem giá trong quá khứ đã lệch như thế nào so với các đường trung bình để chắc chắn biết được khi nào giá có khả năng quay trở lại về phía các đường trung bình động, và đây vốn là những mức giá hợp lý.
Trong ví dụ bên dưới, khi giá WTI lệch khỏi các đường trung bình giữa 200 pip, xác suất xảy ra điều chỉnh giá đã tăng lên đáng kể.
Tóm lại, việc hiểu rõ tình trạng quá mua và quá bán là rất cần thiết đối với nhà giao dịch, vì điều này giúp mang lại cái nhìn sâu sắc về khả năng đảo chiều của thị trường, thời điểm vào và thoát giao dịch, việc xác nhận xu hướng và quản lý rủi ro. Các nhà giao dịch thường sử dụng kết hợp các chỉ báo kỹ thuật, mô hình biểu đồ và phân tích cơ bản để đưa ra quyết định sáng suốt. Tình trạng quá mua và quá bán chỉ là một khía cạnh của chiến thuật giao dịch toàn diện và cần được xem xét trong bối cảnh thị trường rộng lớn hơn.