Tháng 12 năm 2023, các công ty vận tải biển lớn đã buộc phải chuyển hướng tàu của mình từ Biển Đỏ để đi vòng qua lục địa châu Phi, làm tăng chi phí lớn sau khi nhóm Houthi của Yemen nhắm mục tiêu vào các tàu đi qua các cảng của Israel để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine. Nhóm có liên hệ với Iran này yêu cầu Israel cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza, vốn là nơi đã hứng chịu hơn hai tháng bị Israel phong tỏa và bắn phá. Nhóm thuộc Yemen này cũng kêu gọi Israel chấm dứt cuộc chiến tàn khốc tại Gaza.
Người Houthi là ai?
Houthi là một nhóm vũ trang thuộc một nhánh của nhóm Hồi giáo thiểu số Shiite ở Yemen có tên là Zaidis. Họ lấy tên gọi này từ tên của người sáng lập phong trào, Hussein al-Houthi. Nhóm này được thành lập vào những năm 1990 để chống lại những gì họ xem là sự tham nhũng của Tổng thống lúc bấy giờ là Ali Abdullah Saleh. Người Houthi nổi dậy chống lại chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen vào năm 2014, phát động giao tranh dẫn đến cuộc nội chiến gây ra khủng hoảng nhân đạo tàn khốc ở quốc gia Ả Rập nghèo nàn này.
Ngày nay, phần lớn dân số của Yemen sống tại các khu vực do Houthi kiểm soát. Bên cạnh Sanaa và miền bắc Yemen, phiến quân Houthi còn kiểm soát bờ Biển Đỏ. Chính phủ chính thức và Tổng thống Hadi đã trốn khỏi đất nước vào năm 2015 tới thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út. Vì lý do này, nhóm Houthi xem Ả Rập Xê Út là kẻ thù của họ.
Nhóm Houthi tuyên bố mình là một phần của “trục kháng chiến” do Iran lãnh đạo chống lại Israel, Mỹ và các nước còn lại của phương Tây – sát cánh cùng Hamas và Hezbollah. Theo Trung tâm Chống khủng bố, một viện nghiên cứu của Mỹ, Hezbollah đã cung cấp cho Houthi kinh nghiệm quân sự và huấn luyện sâu rộng kể từ năm 2014. Nhóm Houthi cũng xem Iran là đồng minh của họ. Iran đã cung cấp hỗ trợ vật chất và quân sự rất lớn.
Tình hình hiện tại
Cho đến nay, nhóm Houthi đã có một kho vũ khí quân sự lớn gồm nhiều loại máy bay không người lái và tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo chống hạm mà họ lần đầu tiên sử dụng thành công để chống lại các tàu ở Biển Đỏ. Nhóm Houthi lần đầu tiên phóng tên lửa và máy bay không người lái vào miền nam Israel vào tháng 10, nhưng nhóm này không đạt được các mục tiêu ở xa – khoảng 2.000 km (1.240 dặm) – hoặc bị Israel và các đồng minh đánh chặn. Về phần mình, Iran phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ.
Nhưng khi Tel Aviv tiếp tục từ chối lời kêu gọi ngừng bắn của quốc tế, nhóm Houthi đã tăng cường tấn công, lợi dụng vị trí gần Biển Đỏ của mình và đặc biệt là gần eo biển Bab-el-Mandeb hẹp nối Vịnh Aden với biển phía nam. Họ đã bắt và đang giữ một tàu buôn tại cảng của mình và tấn công một số tàu hàng khác chở mọi thứ từ ô tô đến thực phẩm. Nhóm Houthi tuyên bố rằng các tàu không liên quan đến Israel thì không có gì phải lo lắng và sẽ chỉ tấn công các tàu của Israel hoặc đang chở hàng hóa đến và đi từ Israel. Tuy nhiên, việc truy tìm quyền sở hữu tàu có thể khó khăn và một số công ty bị nhóm này nhắm mục tiêu đã phủ nhận liên quan đến Israel.
Tại sao tuyến đường vận chuyển này lại quan trọng đến vậy?
Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, trong nửa đầu năm 2023, 12% tổng lượng dầu giao thương bằng đường biển toàn cầu và 8% khí tự nhiên hóa lỏng đều đi qua eo biển Bab-el-Mandeb. Con số này tương đương 8,8 triệu thùng dầu và 4,1 tỷ foot khối khí LNG mỗi ngày. Hơn 17.000 tàu đi qua mỗi năm, một số trong số đó đi đến Kênh đào Suez, dẫn đến Biển Địa Trung Hải và nối châu Á với phương Tây.
Một số công ty vận chuyển chọn giải pháp thay thế duy nhất cho vận tải đường biển – một tuyến đường dài hơn nhiều đi vòng qua châu Phi. Nhưng điều này có thể làm tăng chi phí và kéo dài hành trình lên đến hai tuần. Các công ty bảo hiểm cũng đang tăng phí bảo hiểm đối với các tàu có kế hoạch đi theo tuyến đường này.
Ai là người đang phải chịu thiệt hại?
- Israel, mục tiêu trực tiếp đầu tiên của nhóm Houthi, đã cảm nhận được tác động của việc thương mại hàng hải bị gián đoạn. Giao thông qua cảng Eilat phía nam, nằm trong một thành phố cũng là trung tâm du lịch, đã ngừng hoạt động và có vẻ bất ổn trong tương lai gần khi mà chiến tranh tiếp diễn.
- Ai Cập, nền kinh tế đang gặp khó khăn ngay cả trước chiến tranh, có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy giảm về thương mại, bên cạnh việc giảm phí vận chuyển hàng hóa qua Kênh đào Suez, vốn là nơi mà quốc gia này phụ thuộc nhiều.
- Châu Âu và các nước Địa Trung Hải sẽ chịu tổn thất lớn nhất nếu tình trạng hiện nay vẫn tiếp diễn trong thời gian dài.
Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng như thế nào?
Theo Chris Rogers, Trưởng phòng Nghiên cứu Chuỗi Cung ứng của S&P Global Market Intelligence, chắc chắn sẽ có tác động đến chuỗi cung ứng do các tàu phải chuyển hướng từ Biển Đỏ. Có thể xảy ra việc chậm trễ trong việc đưa hàng hóa đến cửa hàng và hành trình của các tàu chở container sẽ kéo dài thêm ít nhất mười ngày. Giá vận chuyển đã tăng lên và các công ty có thể tính những chi phí này cho người mua. Ngoài ra, có khả năng cao là sự gián đoạn này có thể dẫn đến giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao hơn. Giá năng lượng tăng, một thành phần quan trọng trong nhiên liệu dành cho ô tô và máy bay phản lực, có thể dẫn đến lạm phát gia tăng thêm. Sự gián đoạn nguồn cung khí LNG sẽ dẫn đến giá điện cao hơn.
Mục tiêu của nhóm Houthi là gì?
Trong bối cảnh chiến tranh Gaza, họ muốn chứng tỏ rằng họ là thành viên chủ chốt của “trục kháng chiến” do Iran đứng đầu thông qua việc thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Hamas. Khi làm việc này, nhóm Houthi đang tìm kiếm sự công nhận quốc tế với tư cách là chính phủ hợp pháp của Yemen.
Dạng phản ứng nào đang được các nước đồng minh chuẩn bị?
Các cuộc tấn công đã khiến Mỹ phát động một chiến dịch hải quân quốc tế nhằm bảo vệ các tàu đi theo tuyến đường Biển Đỏ, với sự tham gia của Anh, Canada, Pháp, Bahrain, Na Uy và Tây Ban Nha. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng từ hơn 40 quốc gia và kêu gọi các quốc gia khác đóng góp vào nỗ lực đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng hải trong khu vực.