Thời gian gần đây, hầu hết mọi tin tức về Mỹ đều liên quan đến trần nợ công. Trần nợ công là gì và tại sao việc tăng trần nợ công lại quan trọng đến vậy?
Kể từ năm 1917, Hoa Kỳ đã có luật quy định giới hạn về mặt pháp lý đối với tổng số tiền nợ mà chính phủ được phép nắm giữ. Trần nợ công, còn được gọi là giới hạn nợ công, là giới hạn mang tính pháp lý do Quốc hội Hoa Kỳ đặt ra dành cho khoản nợ của chính phủ mà Bộ Ngân khố Hoa Kỳ có thể phát hành. Giới hạn này đại diện cho số tiền tối đa mà chính phủ liên bang được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ hiện tại và tài trợ cho các hoạt động của mình. Khi chính phủ liên bang chi tiêu nhiều hơn số tiền họ nhận được, chính phủ phải vay tiền để trang trải khoản thâm hụt hàng năm đó. Và qua mỗi năm, sự thâm hụt này lại làm tăng số tiền nợ quốc gia.
Số tiền thâm hụt ngày nay chủ yếu là do các yếu tố mang tính cấu trúc có thể dự báo trước:
- Thế hệ của thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby-boom) đang già đi;
- Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng;
- Hệ thống thuế không mang lại đủ tiền để chi trả cho những gì chính phủ đã hứa với người dân.
Cuộc khủng hoảng vi-rút corona đã đẩy nhanh tốc độ quay của quỹ đạo tài khóa vốn đã không bền vững do tác động tàn phá của cuộc khủng hoảng này đối với nền kinh tế.
Cần lưu ý rằng trần nợ công là cơ chế lập pháp đặc biệt của Hoa Kỳ, và không phải tất cả các quốc gia đều có giới hạn nợ công này. Nợ của chính phủ Hoa Kỳ đã tăng lên sau mỗi kỳ tổng thống kể từ thời Tổng thống Herbert Hoover. Để đối phó, trần nợ công đã được tăng hơn 100 lần. Trần nợ công hiện tại đang ở mức 31,4 nghìn tỷ đôla.
Tại sao điều này lại quan trọng?
Mục đích của trần nợ công là để đảm bảo quyền kiểm soát của quốc hội đối với khả năng vay nợ của chính phủ, và tạo cơ hội thường xuyên cho các chính trị gia được tranh luận và quyết định mức nợ quốc gia. Mục đích của trần nợ công là nhằm đóng vai trò là cơ chế để thực hiện kỷ luật tài chính và giám sát.
Nếu số tiền nợ đạt đến giới hạn cho phép theo trần nợ công, Bộ Ngân khố không thể phát hành nợ bổ sung để đáp ứng các nghĩa vụ của mình. Tình trạng này có thể tạo ra nguy cơ vỡ nợ tiềm ẩn đối với các nghĩa vụ hiện tại, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và thị trường tài chính.
Để tránh vỡ nợ, Bộ Ngân khố thường thực hiện các biện pháp nhằm tạm thời đình chỉ hoặc sửa đổi một số quy trình chi tiêu và kế toán của chính phủ, được gọi là “các biện pháp khẩn cấp” để giải phóng khả năng vay bổ sung. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ là giải pháp tạm thời và nếu trần nợ không được nâng lên hoặc bị tạm dừng, cuối cùng chính phủ có thể không còn tiền để thanh toán cho tất cả các hóa đơn.