Nhà phân tích kỹ thuật sử dụng các biểu đồ và đồ thị để phân tích xu hướng, mô hình và các dữ liệu thị trường khác nhằm xác định được tín hiệu mua và bán. Khái niệm chính của phân tích kỹ thuật là phân tích dữ liệu lịch sử về giá và khối lượng để đưa ra dự đoán về biến động giá trong tương lai trên thị trường tài chính. Việc này dựa trên niềm tin rằng các mô hình giá và khối lượng trong quá khứ có thể mang lại cái nhìn chuyên sâu về các xu hướng tiềm năng trong tương lai, giúp các nhà giao dịch và nhà phân tích đưa ra quyết định giao dịch sáng suốt. Phân tích kỹ thuật được dựa trên những khái niệm cơ bản sau:
Giá trên thị trường phản ánh tất cả những thông tin hiện có
Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng tất cả thông tin liên quan, bao gồm các yếu tố về kinh tế, tài chính và tâm lý đều đã được phản ánh trong giá của một sản phẩm tài chính. Ý tưởng này được gọi là “Giả thuyết thị trường hiệu quả” (EMH). Do đó, phân tích kỹ thuật tập trung vào việc phân tích các biến động và mô hình giá chứ không phải là cố gắng dự đoán các yếu tố cơ bản.
Xu hướng giá
Một niềm tin mang tính cốt lõi khác của phân tích kỹ thuật đó là biến động giá thường đi theo xu hướng. Những xu hướng này có thể được phân loại thành xu hướng tăng, xu hướng giảm hoặc xu hướng đi ngang (phạm vi giá). Nhà phân tích kỹ thuật tìm cách xác định và đi theo những xu hướng này để kiếm lợi nhuận. Theo quy tắc, xu hướng được xác định thông qua cấu trúc thị trường, thông qua các đường xu hướng hoặc bằng cách sử dụng các chỉ báo xu hướng.
Sự lặp lại của mô hình giá trong quá khứ
Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng các mô hình giá trong quá khứ, chẳng hạn như mô hình biểu đồ và mô hình nến, thường sẽ lặp lại. Bằng cách nhận ra được những mô hình này, nhà phân tích có thể dự đoán được những biến động giá tiềm năng trong tương lai.
Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự
Ngưỡng hỗ trợ là các mức giá mà tại đó các tài sản thường tìm được lực mua và có khả năng đảo chiều được xu hướng giảm. Ngưỡng kháng cự là các mức giá mà tại đó lực bán thường xuất hiện, có khả năng ngăn chặn xu hướng tăng. Các ngưỡng này giúp nhà giao dịch thiết lập điểm vào và thoát khỏi giao dịch.
Tâm lý thị trường
Tâm lý thị trường Forex là nói đến thái độ hoặc trạng thái chung của các nhà giao dịch và nhà đầu tư đối với một cặp tiền tệ Forex cụ thể. Nó phản ánh quan điểm và cảm xúc chung của những người tham gia thị trường, và điều này có thể ảnh hưởng đến hướng di chuyển và mức độ biến động của giá. Tâm lý thị trường có thể là tăng (tích cực), giảm (tiêu cực) hoặc trung lập (đi ngang). Nhà giao dịch phân tích tâm lý thị trường để đánh giá sức mạnh hoặc điểm yếu tiềm ẩn của một loại tiền tệ và đưa ra quyết định giao dịch sáng suốt. Cách hiệu quả nhất để đánh giá tâm lý thị trường thường là xem xét các vị thế đang mở của một cặp tiền tệ cụ thể.
Phân tích khối lượng
Khối lượng là việc đo lường số lượng cổ phiếu hoặc hợp đồng được giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định. Khối lượng có thể mang lại cái nhìn sâu sắc về sức mạnh hay sự suy yếu của một biến động giá. Ví dụ như một biến động giá mạnh với khối lượng lớn được xem là đáng tin cậy hơn một biến động tương tự nhưng với khối lượng thấp. Vì Forex là thị trường giao dịch phi tập trung, tức là không có trung tâm giao dịch duy nhất như sàn giao dịch NYSE chẳng hạn, nên các chỉ báo khối lượng ở đây mang lại ít thông tin hơn so với các sàn giao dịch khác. Tuy nhiên, vì giá của các cặp tiền tệ bắt nguồn từ giá hợp đồng tiền tệ tương lai nên nhà giao dịch Forex có thể sử dụng khối lượng giao dịch CME để phân tích các cặp tiền tệ trên thị trường Forex.
Chỉ báo và chỉ báo dao động
Phân tích kỹ thuật thường sử dụng nhiều chỉ báo và chỉ báo dao động khác nhau, chẳng hạn như các đường trung bình động, Đường trung bình động hội tụ/phân kỳ (MACD), Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) và Chỉ báo dao động Stochastic nhằm giúp mang lại thêm thông tin, xác nhận hoặc phủ nhận các tín hiệu giá.
Nhận biết mô hình biểu đồ
Nhà phân tích kỹ thuật sử dụng các mô hình biểu đồ (ví dụ như mô hình đầu và vai, mô hình cờ, mô hình tam giác, mô hình nêm) và các mô hình nến để xác định khả năng đảo chiều hoặc tiếp tục xu hướng của giá. Những mô hình này được hình thành bởi dữ liệu giá trong quá khứ và được sử dụng để đưa ra quyết định giao dịch.
Khung thời gian
Phân tích kỹ thuật có thể áp dụng cho nhiều khung thời gian khác nhau, từ biểu đồ trong ngày (phút hoặc giờ) đến biểu đồ dài hạn (ngày, tuần hoặc tháng). Nhà giao dịch chọn khung thời gian dựa theo mục tiêu và chiến thuật giao dịch của mình. Chúng tôi luôn khuyến nghị sử dụng 2-3 khung thời gian để thực hiện phân tích chính xác hơn và hiểu rõ hơn về thị trường.
Tâm lý của những người tham gia thị trường
Phân tích kỹ thuật xem xét cảm xúc và hành vi của những người tham gia thị trường. Với lý thuyết cho rằng sự sợ hãi và lòng tham làm cho thị trường biến động và những cảm xúc này có thể được nhìn thấy trong các mô hình và xu hướng giá.
Quản lý rủi ro
Các nhà phân tích kỹ thuật tập trung chủ yếu vào việc quản lý rủi ro. Điều này bao gồm việc đặt lệnh dừng lỗ để hạn chế thua lỗ có thể xảy ra, và tuân thủ kế hoạch giao dịch với các tiêu chí vào và thoát khỏi giao dịch đã xác định trước.
Điều quan trọng cần lưu ý rằng không phải không có những chỉ trích về phân tích kỹ thuật, và vẫn đang có những tranh luận về tính hiệu quả của phương pháp này. Một số người cho rằng đây là phương thức dễ đoán trước vì nhiều nhà giao dịch cùng sử dụng các mô hình và chỉ báo giống nhau, trong khi những người khác lại tin rằng phân tích cơ bản, vốn là phương pháp tập trung vào các yếu tố kinh tế, lại là phương thức đáng tin cậy hơn. Trong thực tế, nhiều nhà giao dịch và nhà đầu tư sử dụng kết hợp cả phân tích kỹ thuật và cơ bản để đưa ra quyết định, đồng thời họ cũng điều chỉnh chiến thuật của mình cho phù hợp với sở thích và mức độ chấp nhận rủi ro của riêng mình.