Cứ mỗi tháng một lần, Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ sẽ công bố dữ liệu về Chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE). Đây là một trong những chỉ số lạm phát quan trọng nhất đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhưng có một số quan chức Fed lại quan tâm đến Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) hơn. Điều này là do phương pháp tính toán Chỉ số Giá Tiêu dùng được thực hiện dựa trên một tập hợp cố định gồm hơn 80.000-100.000 loại hàng hóa, dịch vụ và giá thuê với các trọng số khác nhau thông qua khảo sát ở các hộ gia đình. Tập hợp cố định này không cho người tiêu dùng từ chối các mặt hàng và dịch vụ đang tăng giá, do đó, chỉ số giá tiêu dùng có khả năng phóng đại tỷ lệ lạm phát thực trong nền kinh tế. Trong khi đó, thước đo chi tiêu tiêu dùng cá nhân sử dụng một tập hợp các mặt hàng hoặc dịch vụ mà mọi người thực sự bỏ tiền ra mua mỗi tháng dựa trên thống kê chi tiêu tiêu dùng. PCE là một thước đo bao quát hơn và cập nhật hơn về hành vi của người tiêu dùng. Nói cách khác, PCE phản ánh chính xác hơn sự thay đổi của giá cả hàng hóa theo thời gian.
Hàng tháng, Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ sẽ công bố hai số liệu báo cáo lạm phát, một báo cáo toàn phần và một báo cáo cơ bản. Sự khác biệt giữa chỉ số cơ bản và chỉ số toàn phần là phép tính chỉ số cơ bản không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu, vì vậy số liệu cơ bản luôn thấp hơn.
Cách đọc dữ liệu PCE
Cũng giống như cách đọc dữ liệu Chỉ số Giá Tiêu dùng. Nếu chỉ số PCE tăng thì đó là dấu hiệu cho thấy hàng hóa và dịch vụ thông thường đã tăng giá, như vậy tức là có sự gia tăng lạm phát trong nền kinh tế. Nếu lạm phát có gia tăng, đó thường là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Việc thắt chặt chính sách thường song hành với việc tăng tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia.
Hãy thử xét một ví dụ cụ thể như sau. Tuần trước, dữ liệu PCE mới nhất đã được công bố vào thứ Sáu, ngày 27/05. Trong tháng 4, chỉ số này đạt mức 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi vào tháng 3 là 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy PCE đã giảm 0,3%, và đây là lần suy giảm đầu tiên của chỉ số này kể từ tháng 11/2020. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy lạm phát đang tăng chậm lại. Sau khi tin tức này được công bố, chỉ số Dollar Mỹ đã giảm trong khi các chỉ số chứng khoán Mỹ lại tăng mạnh do giới đầu tư vững tin rằng việc lạm phát giảm tốc có thể khiến Fed bớt mặn mà hơn với phương án thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt.
Như vậy, điều quan trọng là nhà đầu tư phải theo dõi không chỉ tỷ lệ lạm phát (CPI) mà còn cả Chỉ số Giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) vì chúng sẽ là tín hiệu báo trước về khả năng tăng trưởng hoặc hãm tốc lạm phát trong nền kinh tế.