Hàng hóa

Th7 4

9 thời gian đọc ước tính

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá khí đốt tự nhiên

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá khí đốt tự nhiên

Hôm nay, chúng ta cùng nói về các yếu tố ảnh hưởng đến giá khí đốt tự nhiên. Cần lưu ý rằng khí đốt tự nhiên được giao dịch trên khắp thế giới. Dưới đây là một số sàn giao dịch chính:

  • Sàn Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX);
  • Sàn Giao dịch Liên lục địa (ICE);
  • Sở Giao dịch Năng lượng Châu Âu (EEX);
  • Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM);
  • Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE);
  • Sở Giao dịch Đa Hàng hóa Ấn Độ (MCX);
  • Sàn Giao dịch Hàng hóa Dubai (DME).

Đối với nhà giao dịch, điều này có nghĩa là về mặt phân tích kỹ thuật, bạn không thể chỉ phân tích một biểu đồ đơn lẻ và có thể hiểu được triển vọng trung hạn hoặc dài hạn của khí đốt tự nhiên. Do đó, khi dự báo giá khí đốt tự nhiên, bạn cần xem xét đến các yếu tố cơ bản chung mà sẽ ảnh hưởng đến giá khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới. Những yếu tố này là:

  • Quy luật cung và cầu

Sự cân bằng giữa cung và cầu ảnh hưởng chủ yếu đến giá khí đốt tự nhiên. Khi nhu cầu về khí đốt tự nhiên tăng và nguồn cung không thể theo kịp, giá có xu hướng đi lên. Ngược lại, giá sẽ có xu hướng giảm khi nguồn cung dồi dào và nhu cầu thấp. Bạn có thể theo dõi mức cung và cầu ở nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), Sàn Giao dịch Liên lục địa (ICE) (dữ liệu về quyền chọn), Tổ chức Thông tin về Khí đốt Tự nhiên (NGI) và các nguồn khác.

  • Thời tiết

Thời tiết đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá khí đốt tự nhiên, vì đây là nhiên liệu chính được sử dụng để sưởi ấm hộ gia đình và doanh nghiệp trong những tháng thời tiết lạnh. Mùa đông lạnh giá dẫn đến nhu cầu về khí đốt tự nhiên tăng lên, và điều này có thể đẩy giá lên cao. Ngược lại, mùa đông ấm áp có thể khiến nhu cầu ở mức thấp và giá sẽ đi xuống. Chẳng hạn như mùa đông ấm áp của năm 2022-2023 ở châu Âu đã khiến giá khí đốt tự nhiên giảm mạnh do lượng tiêu thụ giảm.

  • Mức dự trữ

Khí đốt tự nhiên thường được dự trữ dưới lòng đất với số lượng lớn để sử dụng sau này. Khi mức dự trữ thấp và nhu cầu cao, giá sẽ có xu hướng tăng. Khi mức dự trữ cao và nhu cầu thấp, giá có xu hướng giảm. Bạn có thể xem mức dự trữ khí đốt tự nhiên từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả trên Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), Mạng lưới Châu Âu dành cho Nhà vận hành Hệ thống Truyền dẫn Khí đốt (ENTSOG), Cơ sở Hạ tầng Khí đốt Châu Âu (GIE), Công ty National Grid (công bố báo cáo hàng tuần về mức dự trữ khí đốt tự nhiên tại Vương quốc Anh) và Platts.

  • Các yếu tố về kinh tế

Sức khỏe của nền kinh tế cũng có thể ảnh hưởng đến giá khí đốt tự nhiên. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ thường dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng năng lượng, bao gồm cả khí đốt tự nhiên, và điều này có thể đẩy giá lên cao. Ngược lại, suy thoái kinh tế có thể dẫn đến nhu cầu sử dụng thấp hơn và giá đi xuống.

  • Các quy định và chính sách của chính phủ

Các quy định và chính sách của chính phủ cũng có thể tác động đến giá khí đốt tự nhiên. Ví dụ như các chính sách khuyến khích sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng có thể dẫn đến tăng nhu cầu và làm cho giá đi lên, trong khi các chính sách hạn chế sản xuất khí đốt tự nhiên có thể dẫn đến nguồn cung thấp và giá thành cao hơn. Khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với khí đốt tự nhiên của Nga. Nguồn cung từ Nga sang châu Âu giảm mạnh khiến giá khí đốt tự nhiên tăng chóng mặt.

  • Thảm họa tự nhiên

Các thảm họa tự nhiên như động đất, sóng thần và lốc xoáy có thể có tác động đáng kể đến giá khí đốt tự nhiên. Mặc dù động đất không gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất khí đốt tự nhiên, nhưng động đất có thể gây hư hại cho đường ống, cơ sở dự trữ và cơ sở hạ tầng khác được sử dụng để vận chuyển và dự trữ khí đốt tự nhiên, điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung và tác động đến giá cả. Ví dụ như một trận động đất ở Nam California vào tháng 7 năm 2019 đã khiến cơ sở dự trữ khí đốt tự nhiên Aliso Canyon, một trong những cơ sở lớn nhất tại Hoa Kỳ, phải đóng cửa tạm thời.

Các quốc gia xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới trong năm 2021, theo EIA:

  1. Hoa Kỳ: 935,6 tỷ mét khối;
  2. Nga: 653,8 tỷ mét khối;
  3. Iran: 259,8 tỷ mét khối;
  4. Qatar: 180,6 tỷ mét khối;
  5. Canada: 158,6 tỷ mét khối;
  6. Trung Quốc: 156,5 tỷ mét khối;
  7. Na Uy: 119,6 tỷ mét khối;
  8. Australia: 95,5 tỷ mét khối;
  9. Ả Rập Xê-út: 85,3 tỷ mét khối;
  10. Indonesia: 71,2 tỷ mét khối.